Cách điều trị bệnh viêm vùng chậu khỏi hẳn “tránh biến chứng”

Viêm vùng chậu là tình trạng viêm nhiễm do sự tấn công của nấm hoặc vi khuẩn ở các cơ quan sinh dục nữ như buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, phúc mạc chậu. Căn bệnh này có thể gây ra nhiều hậu quả khôn lường như mang thai ngoài tử cung, tắc ruột, apxe buồng trứng, thậm chí là vô sinh, hiếm muộn.

Chính vì những biến chứng vô cùng nguy hiểm trên nên việc thăm khám và điều trị bệnh viêm vùng chậu là vô cùng quan trọng. Nếu không may gặp những dấu hiệu của bệnh thì chị em nên đến bệnh viện chuyên khoa để khám ngay. Tránh để lâu bệnh sẽ rất khó chữa và để lại nhiều hậu quả nặng nề.

Nội dung bài viết bao gồm:
Viêm vùng chậu: Căn bệnh nguy hiểm, dễ lây lan

  1. Triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu
  2. Tại sao tôi bị bệnh viêm vùng chậu?
  3. Biến chứng của bệnh viêm vùng chậu
  4. Bác sĩ chẩn đoán bệnh viêm vùng chậu như thế nào?

Cách điều trị bệnh viêm vùng chậu hiệu quả nhất

  1. Dùng thuốc chữa viêm vùng chậu
  2. Phẫu thuật điều trị viêm vùng chậu
  3. Cách chữa viêm vùng chậu bằng vật lý trị liệu
  4. Không quên chữa bệnh viêm vùng chậu cho đối tác

Cách phòng ngừa bệnh viêm vùng chậu

Viêm vùng chậu: Căn bệnh nguy hiểm, dễ lây lan

Trong cơ thể người, vùng chậu là nơi chứa hầu như tất cả các bộ phận của cơ quan sinh sản nữ như, quan trọng nhất phải kể đến buồng trứng và tử cung. Như vậy khi nói đến bệnh viêm vùng chậu thì sẽ có nhiều bộ phận nhỏ bị viêm nhiễm cùng lúc. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do vệ sinh vùng kín không đúng cách, quan hệ tình dục thiếu an toàn… khiến cho vi khuẩn, nấm hay kí sinh trùng có cơ hội tấn công vào vùng chậu.

Bệnh viêm vùng chậu là gì

Bệnh viêm vùng chậu tương đối phổ biến ở những người phụ nữ trẻ tuổi. Tại Mỹ, người ta ước tính mỗi năm có khoảng 1 triệu người mắc căn bệnh này. Trong khi đó ở nước ta, theo thống kê được Sở Y Tế TP.HCM thực hiện gần đây, hiện nay có đến 38% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mắc chứng viêm vùng chậu. Một con số khá lớn và tỷ lệ này không ngừng tăng lên mỗi năm.

1. Triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu

Các triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu thường không điển hình nên khó phát hiện sớm… Do vậy để sớm nhận diện được bệnh ngay từ ban đầu, bạn nên căn cứ vào một số đặc điểm chính được các chuyên gia cảnh báo dưới đây:

  • Đau ở vùng bụng dưới và khu vực xương chậu:

Hầu hết mọi người khi bị viêm vùng chậu đều cảm thấy những cơn đau âm ỉ rất khó chịu ở vùng bụng dưới và khu vực xung quanh xương chậu. Tuy nhiên cũng có lúc cơn đau trở nên dữ dội và kéo dài hàng giờ, đặc biệt là khi quan hệ tình dục quá mạnh.

  • Dịch tiết âm đạo nhiều và có mùi khó chịu:

Những chỗ bị viêm ở vùng xương chậu sẽ tiết ra nhiều dịch bất thường. Nhẹ thì khí hư có màu trắng đục, nặng hơn thì máu vàng như mủ hoặc màu xanh. Chất này thoát ra ngoài qua ngã âm đạo làm cho vùng kín có mùi hôi rất khó chịu.

  • Xuất huyết âm đạo:

Triệu chứng này thường xảy ra ở những người bị viêm vùng chậu nặng. Tình trạng viêm nhiễm ăn sâu vào trong đụng đến mạch máu gây rỉ máu. Bệnh nhân có thể bị chảy máu nhiều trong và sau khi quan hệ. Một số trường hợp thì lại ra máu nhưng không trong thời kì hành kinh.

chảy máu âm đạo bất thường là dấu hiệu của viêm vùng chậu

  • Sốt:

Người bị viêm vùng chậu do nhiễm khuẩn còn kèm theo biểu hiện sốt. Thân nhiệt có thể tăng lên đến 38 độ hoặc cao hơn nữa. Kèm theo đó là tình trạng mệt mỏi, suy nhược cơ thể.

Theo cấu tạo, vùng chậu và các các cơ quan như tử cung, buồng trứng có mối liên hệ rất mật thiết với nhau. Trong khi đó, các cơ quan trên lại chi phối chu kì kinh nguyệt ở chị em phụ nữ. Điều này giải thích tại sao khi bị bệnh viêm vùng chậu, chu kì kinh nguyệt lại bị rối loạn. Bạn có thể bị trễ kinh, ra nhiều máu màu đỏ thẫm có mùi hôi kèm theo tình trạng đau bụng kinh dữ dội trong những ngày “đèn đỏ”.

# Khi có dấu hiệu nào cần gặp bác sĩ?

Những biểu hiện bệnh viêm vùng chậu kể trên không phải lúc nào cũng xảy ra ở mọi trường hợp. Bệnh nhân nên đi khám để được chẩn đoán chính xác mình có bị viêm vùng chậu hay không khi gặp phải một trong những bất thường kể trên. Đặc biệt những trường hợp sau không nên chần chừ trong việc thăm khám:

  • Bụng dưới đau dữ dội hoặc cơn đau kéo dài triền miên
  • Hay mắc ói hoặc nôn mửa nhiều gây mất nước, suy kiệt sức khỏe
  • Sốt trên 38 độ
  • Dịch tiết âm đạo có mùi hôi và màu sắc bất thường

2. Tại sao tôi bị bệnh viêm vùng chậu?

Bệnh viêm vùng chậu xuất hiện do những nguyên nhân sau:

  • Vùng kín không được vệ sinh đúng cách:

Không rửa vùng kín hàng ngày, dùng xà phòng hay dung dịch phụ khoa thụt rửa âm đạo, mặc quần khi chưa lau khô “cô bé”… là những thói quen xấu tiếp tay cho nấm và vi khuẩn tấn công. Chúng gây ra nhiều căn bệnh viêm nhiễm phụ khoa, viêm vùng chậu là một trong số đó.

  • Quan hệ tình dục không an toàn:

Việc có quan hệ với nhiều người cùng lúc hay làm chuyện ấy trong những ngày hành kinh khiến chúng ta có nguy cơ bị viêm vùng chậu cũng như bị lây nhiễm các căn bệnh xã hội nguy hiểm từ bạn tình.

Quan hệ tình dục bừa bãi là nguyên nhân gây viêm vùng chậu

  • Nhiễm lậu hoặc chlamydia:

Vi khuẩn gây bệnh lậu và chlamydia có khả năng lây truyền qua đường tình dục không an toàn. Chúng có thể tấn công vào vùng chậu và khiến vùng này bị viêm nhiễm.

  • Sinh đẻ nhiều hoặc nạo phá thai bừa bãi:

Phụ nữ sinh đẻ quá nhiều lần hoặc thường xuyên nạo phá thai sẽ khiến cho vùng chậu cũng như tử cung bị tổn thương, suy yếu. Từ đây vi khuẩn mới có cơ hội xâm nhập vào vùng chậu và phát triển gây bệnh.

  • Biến chứng từ các cuộc phẫu thuật điều trị bệnh phụ khoa:

Những tác động dao kéo từ các cuộc phẫu thuật ngoại khoa tại vòi trứng, tử cung…có thể làm vùng chậu bị tổn thương và bị viêm. Ngay cả những trường hợp được đặt vòng ở những cơ sở y tế không đảm bảo điều kiện vô trùng cũng dễ mắc căn bệnh này.

  • Ảnh hưởng của tình trạng viêm ở các cơ quan lân cận:

Tình trạng viêm nhiễm có thể lây lan đến vùng chậu khi bạn đang bị viêm ở các cơ quan lân cận như màng bụng hay ruột thừa

# Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm vùng chậu

Ngoài những nguyên nhân được liệt kê ở trên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm vùng chậu mà chúng ta không thể không đề phòng. Chúng bao gồm:

  • Quan hệ tình dục quá sớm ( dưới 25 tuổi)
  • Không mang bao cao su khi làm chuyện ấy
  • Dùng thuốc kháng sinh kéo dài gây mất cân bằng môi trường vi khuẩn trong âm đạo
  • Từng bị viêm vùng chậu hoặc mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục trước đây
  • Phụ nữ đặt vòng tránh thai
  • Thường xuyên bị lạm dụng tình dục một cách thô bạo
  • Bệnh nhân đã thử điều trị tại nhà nhưng không thấy sự tiến triển
  • Sốt cao, nôn ói nhiều

3. Biến chứng của bệnh viêm vùng chậu

Bệnh viêm vùng chậu có khả năng gây ra nhiều biến chứng cho sức khỏe nếu không có biện pháp điều trị sớm. Những tác hại thường gặp nhất của căn bệnh này phải kể đến:

  • Làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung:

Tình trạng viêm nhiễm gây hình thành nên những vết sẹo trong lòng tử cung khiến trứng khó mà làm tổ được. Vì vậy mà người bị viêm vùng chậu có nguy cơ mang thai ngoài tử cung khá cao.

Mang thai ngoài tử cung là một biến chứng của bệnh viêm vùng chậu

  • Khó có con hoặc vô sinh:

Khi bị viêm vùng chậu, nhất là tại buồng trứng, vòi trứng sẽ khiến quá trình thụ tinh bị ảnh hưởng. Bởi vì lúc này trứng đã thụ tinh không thể di chuyển vào bên trong tử cung để làm tổ mà đọng lại ở vòi trứng, buồng trứng khiến phái đẹp khó mang thai hoặc mất khả năng làm mẹ hoàn toàn.

  • Đau vùng chậu kéo dài:

Bệnh viêm vùng chậu nếu không được điều trị triệt để rất dễ tái phát và tiến triển thành mãn tính. Trường hợp này người bệnh sẽ thường xuyên phải đối mặt với những cơn đau ở vùng chậu, đặc biệt là mỗi khi quan hệ hoặc trong những ngày rụng trứng, hành kinh.

  • Áp-xe buồng trứng và ống dẫn trứng:

Tổn thương do viêm vùng chậu có thể lan rộng và tạo mủ gây ra những ổ áp xe ở trong buồng trứng và ống dẫn trứng. Đây là một biến chứng nguy hiểm. Không chỉ gây vô sinh, nó còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng nếu không được phát hiện và cứu chữa kịp thời.

  • Tắc ruột:

Gặp biến chứng này bệnh nhân có biểu hiện chán ăn, ăn không tiêu, đầy bụng, bụng chướng căng, buồn nôn và nôn ói. Cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay nếu gặp biến chứng này.

  • Ảnh hưởng xấu đến tâm lý người bệnh:

Viêm vùng chậu thường gây đau khi quan hệ và những bất thường về kinh nguyệt. Điều này khiến cho chị em lo lắng, mệt mỏi, thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng đời sống tình dục cũng như hạnh phúc gia đình.

Những tác hại của bệnh viêm vùng chậu cũng được bác sĩ tư vấn chi tiết trong bài viết sau: Bệnh viêm vùng chậu có nguy hiểm không?

4. Bác sĩ chẩn đoán bệnh viêm vùng chậu như thế nào?

Hiện nay, tại các bệnh viện có khá nhiều phương pháp chẩn đoán viêm vùng chậu nhanh chóng, có mức độ chính xác tuyệt đối. Cụ thể, sau khi thăm khám lâm sáng nếu bệnh nhân có biểu hiện nghi ngờ mắc viêm vùng chậu thì bác sĩ sẽ chỉ định tiếp các xét nghiệm sau để khẳng định bệnh:

  • Xét nghiệm dịch âm đạo: Dịch tiết của người bị viêm vùng chậu thường chứa nhiều tế bào bạch cầu.
  • Xét nghiệm trực tiếp dịch tử cung: Mục đích nhằm tìm kiếm sự hiện diện của lậu khuẩn hoặc chlamydia.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Hình ảnh thu được sẽ giúp phản ánh chính xác vị trí viêm và mức độ tổn thương bên trong vùng chậu. Phương pháp này có giá trị chẩn đoán cao nhưng hơi tốn kém.

Siêu âm ổ bụng chẩn đoán và điều trị viêm vùng chậu

  • Siêu âm: Giúp phát hiện các ổ áp xe trong buồng trứng hoặc phát hiện ra biến chứng mang thai ngoài tử cung.
  • Nội soi: Một dụng cụ có gắn camera siêu nhỏ sẽ được đưa vào trong ổ bụng thông qua một đường rạch nhỏ gần rốn. Nó sẽ giúp bác sĩ quan sát và đánh giá được tình trạng viêm nhiễm bên trong vùng chậu.

Sau khi có kết luận chẩn đoán chính thức bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp dựa trên mức độ trầm trọng của mỗi bệnh nhân.

Cách điều trị bệnh viêm vùng chậu hiệu quả nhất

Bệnh viêm vùng chậu có chữa được không và chữa bằng cách nào cho nhanh khỏi? Hầu hết chị em khi mới được chẩn đoán mắc căn bệnh này đều có chung một thắc mắc như vậy.

Để điều trị bệnh viêm vùng chậu thì phương án đầu tiên được lựa chọn đó là dùng thuốc theo phác đồ của bác sĩ. Ngoài ra có thể kết hợp vật lý trị liệu để mau khỏi bệnh. Trong trường hợp không đáp ứng được với thuốc và bệnh có nguy cơ gây biến chứng thì phẫu thuật lại là sự lựa chọn tối ưu nhất.

1. Dùng thuốc chữa viêm vùng chậu

Bên cạnh các thuốc điều trị triệu chứng như thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt… bệnh nhân còn được chỉ định dùng thuốc kháng sinh để điều trị viêm vùng chậu.

– Thuốc giảm đau:

Trường hợp bị đau bụng hoặc đau âm ỉ ở vùng chậu trong giai đoạn bị viêm cấp bệnh nhân cần dùng đến thuốc giảm đau. Đối với căn bệnh này thì các thuốc giảm đau nhóm Floctafenine hay Acetaminophen là được sử dụng nhiều nhất.

Loại thuốc này có thể gây ảnh hưởng đến gan, thận hay dạ dày. Vì vậy nếu có tiền sử mắc bệnh ở những cơ quan này, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ biết để được chỉ định loại thuốc an toàn hơn.

Thuốc chữa viêm vùng chậu

– Thuốc kháng viêm non-steroid (gọi tắt là NSAIDs)

Thuốc có tác dụng ngăn chặn phản ứng viêm bên trong vùng chậu không cho tổn thương lan sang các vùng khác. Bác sĩ có thể chỉ định một trong các thuốc như Meloxicam, Ibuprofen, Fenoprofen, hay Pirprofen…

Các tác dụng phụ có thể gặp bao gồm: Viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa, đau đầu, nổi phát ban gây ngứa da.

– Dùng thuốc corticoid chữa viêm vùng chậu:

Bao gồm các loại như methyl prednisolon, dexamthason hay hydrocortison… Thuốc được dùng theo đường tiêm tĩnh mạch cho người bị bệnh viêm vùng chậu có dấu hiệu bị nhiễm trùng nghiêm trọng.

Thuốc corticoid có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như tăng huyết áp, tích mỡ bụng, phù chân, đục thủy tinh thể, loãng xương, mỏng da… Vì vậy bệnh nhân chỉ được xem xét dùng loại thuốc này khi không đáp ứng được với các thuốc NSAIDs.

– Thuốc kháng sinh:

Dùng trong các trường hợp bệnh nhân bị viêm vùng chậu có nguyên nhân là do nhiễm khuẩn. Bệnh nhân có thể bị lờn thuốc, kháng thuốc nếu sử dụng kháng sinh bừa bãi. Chính vì vậy cần dùng loại thuốc này theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.

# Phác đồ điều trị bệnh viêm vùng chậu bằng thuốc kháng sinh

Việc phối hợp chỉ định các thuốc được áp dụng tùy theo từng đối tượng như sau:

Θ Trường hợp bệnh nhân dùng thuốc tại nhà (điều trị ngoại trú)

– Phác đồ 1: 

  • Ceftriaxone (250 mg ): Uống 1 viên 250mg liều duy nhất
  • Doxycycline (100 mg ): Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 viên trong 14 ngày liên tục
  • Trường hợp bị viêm vùng chậu kèm theo viêm âm đạo hoặc trước đó 2-3 tuần bệnh nhân từng phẫu thuật phụ khoa: Kết hợp thêm thuốc Metronidazole 250 mg, ngày uống 2 lần x 2 viên/ lần. Thời gian dùng Metronidazole kéo dài trong 14 ngày.

– Phác đồ 2:

  • Cefotaxim 1g : Uống 1 lần duy nhất
  • Doxycycline : Ngày dùng 2 lần x 100mg / lần. Dùng thuốc liên tục trong 2 tuần
  • Trường hợp bị viêm âm đạo hoặc có phẫu thuật phụ khoa trước đó: Dùng thêm Metronidazol loại 250mg. Mỗi lần uống 2 viên x 2 lần/ ngày. Khoảng cách giữa 2 lần uống thuốc là 12 giờ.

– Phác đồ 3:

  • Cefoxitin (2g): Chỉ uống 1 liều duy nhất
    Probenecid 1g: Uống liều 1 viên duy nhất
  • Doxycycline (100mg): Dùng kéo dài 2 tuần, mỗi ngày uống 2 viên chia làm 2 lần uống
  • Thêm Metronidazol 250mg: Liều dùng tương tự như trong các phác đồ trên nếu bệnh nhân bị kèm theo viêm âm đạo hoặc mắc viêm vùng chậu do can thiệp phẫu thuật phụ khoa trước đó.

Θ Trường hợp bệnh nhân nhập viện (điều trị viêm vùng chậu nội trú)

Thông thường, những bệnh nhân bị viêm vùng chậu nặng, có biến chứng apxe vùng chậu, người bị suy giảm miễn dịch, không đáp ứng với thuốc khi điều trị ngoại trú hoặc người bệnh đang mang thai sẽ được yêu cầu nhập viện để bác sĩ theo dõi và điều trị.

Các phác đồ được sử dụng để chữa viêm vùng chậu tại bệnh viện bao gồm:

– Phác đồ 1: 

  • Cefoxitin (2g): Ngày uống 4 lần, khoảng cách giữa các lần cách nhau 6 giờ
  • Doxycyclin (100mg): Ngày uống 2 lần x 1 viên/ lần

– Phác đồ 2: 

  • Cefotetan ( 2g): Liều dùng khởi đầu 1 viên x 4 lần/ ngày
  • Doxycyclin (100mg): Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 viên

Nếu các biểu hiện lâm sàng được cải thiện, các thuốc trên sẽ được chỉ định dùng thêm trong 1 ngày. Sau đó, bệnh nhân được dùng thêm Doxycycline 100 mg với liều 2 viên/ ngày sao cho đủ một đợt điều trị 14 ngày.

Trường hợp có biến chứng áp xe buồng trứng thì chỉ định phối hợp thêm các kháng sinh sau cho đủ 14 ngày của đợt điều trị:

  • Metronidazol (250mg): mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 viên.
  • Hoặc Dalacin C (300mg): Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 viên

– Phác đồ 3: 

  • Dalacin C ( 600mg): Uống 1,5 lọ, ngày 3 lần
  • Gentamycin: Dùng với liều tấn công là 2mg/kg TLCT, cách 8 giờ uống 1 lần

– Phác đồ 4:

  • Unasyn (1.5g ): Uống 4 lần/ ngày x 2 lọ
  • Doxycyclin (100mg): Ngày dùng 2 viên, chia cho 2 lần uống

Phác đồ trên áp dụng trong 1 ngày, nếu các triệu chứng lâm sàng được cải thiện thì ngưng. Sau đó tiếp tục uống Doxycycline (100 mg) 2 lần/ ngày, mỗi lần 1 viên cho đủ một liệu trình điều trị trong 14 ngày.

Nếu phát hiện áp xe buồng trứng thì kết hợp thêm các thuốc kháng sinh sau:

  • Doxycyclin: Mỗi lần uống 100mg x 2 lần/ ngày
  • Metronidazol: Mỗi lần uống 500mg x 2 lần/ngày

Hoặc thay thế bằng:

  • Doxycyclin: Ngày 2 lần, mỗi lần 100mg
  • Dalacin C: Ngày 3 lần, mỗi lần 300mg

2. Phẫu thuật điều trị viêm vùng chậu

Phẫu thuật cắt bỏ và phẫu thuật extirpative sẽ được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm vùng chậu nặng ,có vỡ áp xe buồng trứng hoặc bệnh nhân không đáp ứng với điều trị kháng sinh.

Cách điều trị bệnh viêm vùng chậu bằng phẫu thuật

Với phương pháp này, các bác sĩ sẽ xác định chính xác vùng bệnh và thực hiện thủ thuật để loại bỏ vùng viêm nhiễm, không chế apxe để không cho lây lan sang các bộ phận khác.

Tuy mang lại kết quả tương đối khả quan nhưng phẫu thuật trị viêm vùng chậu có thể đem lại một số rủi ro như: Để lại sẹo sau khi phục hồi, ảnh hưởng đến khả năng thụ thai, chảy máu, nhiễm trùng sau phẫu thuật…. Do đó, khi thực hiện bệnh nhân cần lựa chọn những cơ sở y tế có trang thiết bị hiện đại, bác sĩ chuyên khoa có trình độ chuyên môn cao để tránh xảy ra những biến chứng không mong muốn sau phẫu thuật.

3. Cách chữa viêm vùng chậu bằng vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu cũng là một cách điều trị bệnh viêm vùng chậu bằng ngoại khoa thường được áp dụng. So với việc dùng thuốc hay phẫu thuật thì vật lý trị liệu có mức độ an toàn cao. Nó giúp hỗ trợ khống chế được tình trạng viêm nhiễm bằng cách tăng cường sức mạnh và độ linh hoạt cho khung xương chậu.

Tuy nhiên, trước khi áp dụng người bệnh cần nghỉ ngơi cho đến khi những cơn đau giảm bớt cường độ. Sau đó tiến hành tập luyện, thực hiện các phương pháp vật lý trị liệu dưới đây:

  • Chiếu tia hồng ngoại:

Dùng tia hồng ngoại chiếu trực tiếp vào khu vực bị bệnh, kết hợp động tác mát xa nhẹ nhàng ở vùng chậu để kích thích lưu thông máu, làm dịu các cơn đau.

  • Chườm nóng:

Đây là một cách chữa bệnh viêm vùng chậu và giảm đau đơn giản nhưng cực kì hữu hiệu. Bệnh nhân có thể dùng túi nước nóng hoặc rang muối với gừng và chườm vào chỗ đau. Thực hiện mỗi ngày 2-3 lần sẽ giúp xoa dịu các cơn đau rất nhanh chóng.

  • Điện trị liệu:

Các máy điều trị bằng điện sẽ được sử dụng nhằm mục đích thúc đẩy tuần hoàn máu trong cơ thể, cải thiện tình trạng sưng viêm. Đồng thời nó cũng giúp hỗ trợ cắt đứt các cơn đau.

  • Sử dụng máy điều trị bằng nhiệt:

Phương pháp này giúp tăng cường hoạt động trao đổi chất trong cơ thể, giúp các tế bào bị bệnh được nuôi dưỡng tốt hơn. Nhờ đó những chỗ viêm sẽ mau chóng phục hồi.

  • Luyện tập các bài tập cho khung xương chậu:

Tập luyện là cách chữa bệnh viêm vùng chậu đơn giản, hiệu quả

Khi tình trạng viêm ở vùng chậu đã thuyên giảm, bệnh nhân có thể tập luyện một số bài tập đơn giản để cải thiện chức năng hoạt động của khung chậu và duy trì trạng thái linh hoạt của cột sống. Trong thời gian đầu tốt nhất nên tập luyện nhẹ nhàng, vừa phải. Sau khi đã thuần thục thì mới tăng dần cường độ chứ không nên gắng sức quá mức ngay từ đầu sẽ bị phản tác dụng.

→ Lưu ý: Vật lý trị liệu chỉ hỗ trợ điều trị bệnh ở thời kỳ đầu và không có tác dụng điều trị bệnh dứt điểm.

4. Không quên chữa bệnh viêm vùng chậu cho đối tác

Nếu bạn bị viêm vùng chậu do nhiễm khuẩn lậu hay chlamydia, hãy để nghị bạn tình của mình cùng đi làm xét nghiệm và điều trị nếu mắc bệnh. Điều này sẽ giúp ngăn chặn được nguy tái lây nhiễm chéo và tái phát bệnh sau này.

Cách phòng ngừa bệnh viêm vùng chậu

Tuy không thể ngăn ngừa được bệnh viêm vùng chậu một cách tuyệt đối nhưng chúng ta có thể giảm thiểu được nguy cơ mắc bệnh nếu thực hiện tốt các hướng dẫn sau:

  • Mang bao cao su khi quan hệ:

Mặc “áo mưa” chính là cách tốt nhất để ngăn ngừa các các loại vi khuẩn gây bệnh có khả năng lây truyền qua đường tình dục. Hãy chắc chắn rằng bao cao su phải được mang trước khi dương vật chạm vào khu vực “tam giác vàng”.

  • Không quan hệ tình dục quá sớm:

Trước 25 tuổi, các cơ quan trong vùng chậu của người phụ nữ chưa phát triển hoàn thiện nên rất dễ bị viêm nhiễm. Vì vậy chị em không nên lập gia đình hoặc quan hệ tình dục quá sớm, nhất là khi đang còn ở tuổi dậy thì.

  • Chung thủy một vợ, một chồng: 

Quan hệ tình dục với một người bạn tình có thể làm giảm nguy cơ mắc viêm vùng chậu. Vì vậy, mọi người nên cố gắng giữ gìn hạnh phúc gia đình, không quan hệ ngoài luồng hoặc cặp kè với nhiều bạn tình cùng lúc.

  • Tránh thụt rửa sâu vào âm đạo:

Nước rửa phụ khoa hay các chất tẩy rửa có thể giết chết các vi khuẩn có lợi bên trong âm đạo vốn có nhiệm vụ bảo vệ bạn khỏi sự nhiễm trùng. Nó cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh viêm vùng chậu bằng cách đẩy vi khuẩn có hại từ bên ngoài di chuyển sâu vào trong cổ tử cung, buồng trứng. Do đó bạn nên dừng ngay thói quen xấu này lại trước khi quá muộn.

  • Không sử dụng rượu bia, thuốc lá và ma túy: 

Uống bia rượu, hút thuốc lá và ma túy thường xuyên sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây hại tấn công gây viêm vùng chậu. Vì vậy, để bảo vệ cho sức khỏe của bản thân, bạn hãy nói không với các chất kích thích này.

  • Lựa chọn hình thức tránh thai phù hợp, an toàn:

Nếu biện pháp tránh thai hiện thời gây nhiều bất lợi cho sức khỏe hoặc là nguyên nhân khiến bạn bị viêm vùng chậu trước đó thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn một phương pháp tránh thai an toàn hơn.

Thực tế ngoài đặt vòng, chúng ta có rất nhiều phương pháp tránh thai khác nhau như mang bao cao su, uống thuốc hoặc dùng màng phim để ngăn ngừa việc mang thai ngoài ý muốn.

  • Vệ sinh vùng kín hàng ngày đúng cách: 

Đây chính là việc làm cần thiết nhất ai cũng cần thực hiện để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh viêm vùng chậu. Chị em nên rửa vùng kín bằng nước ấm hoặc nước muối pha loãng mỗi ngày 2 lần. Trong những ngày hành kinh thì nên rửa nhiều lần hơn và cứ 3-4 tiếng nên thay băng một lần để vi khuẩn không có cơ hội sinh sôi.

Vệ sinh vùng kín đúng cách giúp ngăn ngừa bệnh viêm vùng chậu
Vệ sinh vùng kín đúng cách giúp ngăn ngừa bệnh viêm vùng chậu

Ngoài ra cần chú ý không mặc quần lót quá chật, giữ cho vùng kín luôn được thông thoáng. Nên dùng khăn thấm khô “cô bé” mỗi khi đi vệ sinh hay sau khi tắm xong rồi mới được mặc quần.

  • Nâng cao sức đề kháng cho cơ thể:

Một khi sức khỏe được cải thiện thì cơ thể mới có sức chống đỡ lại sự tấn công của vi khuẩn gây bệnh. Chính vì vậy bạn nên chú ý bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Hạn chế ăn các món ăn chứa nhiều chất béo, đồ ngọt, đồ ăn cay nóng hay các thực phẩm lạnh. Đồng thời duy trì kế hoạch tập luyện thể dục hàng ngày để nâng cao thể trạng.

Tóm lại, viêm vùng chậu là căn bệnh có diễn tiến khá phức tạp và nguy hiểm. Vì vậy, chị em nên phối hợp tốt với bác sĩ để điều trị bệnh triệt để ngay từ khi có dấu hiệu ban đầu. Cùng với đó tích cực thực hiện các biện pháp dự phòng để ngăn chặn bệnh tái phát trở lại.

→Bác sĩ chuyên khoa tư vấnMắc bệnh viêm vùng chậu có con được không?

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *