Để việc thụ thai trở nên dễ dàng hơn và có một thai kỳ khỏe mạnh cả bố và mẹ cần chuẩn bị chu đáo về tâm lý, tài chính và đặc biệt là sức khỏe. Dưới đây là tư vấn của bác sĩ về việc chuẩn bị sức khỏe trước khi mang thai cho cả vợ chồng mà những ai muốn lên chức bố mẹ cần thực hiện.
Để thai nhi khỏe mạnh, phát triển tốt về thể chất và trí tuệ, đồng thời tránh những rủi ro khi mang thai như: sẩy thai, sinh non,… thì không chỉ riêng người vợ mà người chồng cũng cần chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ và quan trọng nhất là sức khỏe.
Vợ và chồng cần có sức khỏe tốt trước khi mang thai
Ngay khi có ý định là lập kế hoạch có thai, cả chồng và vợ đều cần phải khám sức khỏe tổng quát, bao gồm: sức khỏe thể chất và sức khỏe sinh sản của mỗi người. Đồng thời, kiểm tra về tính di truyền và tiền sử bệnh gia đình để có thể phát hiện những bệnh lý mắc phải và kịp thời điều trị, ngăn ngừa những ảnh hưởng xấu có thể xảy ra.
Người vợ cũng cần tiêm phòng các bệnh có khả năng gây biến chứng nặng nề nếu mắc phải trong thai kỳ như: rubella, thủy đậu,…; khám răng miệng, kiểm tra tuyến giáp. Bên cạnh đó cần kiểm soát cân nặng ở mức trung bình: nếu quá gầy hoặc quá béo đều có thể gây khó thụ thai.
Cũng cần lưu ý: Nếu cả vợ và chồng đã thực hiện các biện pháp ngừa thai trước đó như: đặt vòng, dùng que cấy, dùng thuốc tránh thai,… thì nên chấm dứt ngay.
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của vợ và chồng. Nếu muốn tăng cơ hội thụ thai và sinh con thông minh khỏe mạnh cần:
1. Chế độ ăn uống
*Với người vợ:
Ăn gì dễ thụ thai? Nên tăng cường ăn nhiều các thực phẩm giàu axit folic, protein, sắt, kẽm, canxi và các vitamin: vitamin nhóm B, vitamin A, vitamin C và vitamin D. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên: Trước khi mang thai 1-3 tháng, mỗi ngày bạn cần bổ sung 400 mcg; đồng thời nên chú ý bổ sung sắt nhiều hơn trong khoảng thời gian này.
Đồng thời cần tránh: Sản phẩm chưa được tiệt trùng như: phô mai, sữa; chưa được nấu chín như: thịt, cá sống, trứng tái, thịt nấu chưa chín, thịt chế biến sẵn. Các loại cá chứa hàm lượng thủy ngân cao như: cá mập, cá kiếm, cá thu, cá kình,… có thể gây tổn thương não thai, thai chậm phát triển. Các thực phẩm làm tăng co bóp tử cung có thể gây sẩy thai như: rau sam, táo mèo, long nhãn, ba ba,…
*Với người chồng:
Không kém gì người vợ, chế độ dinh dưỡng cho người chồng cũng đóng vai trò quyết định không nhỏ đến sự hình thành và phát triển của thai nhi sau này. Các đấng mày râu hãy cố gắng bổ sung các thực phẩm tốt cho tinh binh như: hàu, chuối, ngũ cốc, rau xanh, hải sản, trứng, các loại trái cây tươi khác,…
2. Chế độ sinh hoạt
– Để tránh các dị tật bẩm sinh cho thai nhi, cả vợ và chồng nên đảm bảo môi trường sống và làm việc sạch sẽ, trong lành. Hạn chế tiếp xúc với hóa chất có hại như sơn, xăng, thuốc trừ sâu, các hóa chất thuộc ngành công nghiệp nặng, chất phóng xạ,… Nếu như buộc phải tiếp xúc thì nên mặc đồ bảo hộ lao động cẩn thận.
– Dành thời gian thư giãn, giữ tinh thần thoải mái hàng ngày bởi căng thẳng, stress, áp lực công việc,…. cũng là nguyên nhân gây giảm ham muốn tình dục ở nam và khiến chất lượng tinh trùng suy yếu.
– Hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia, thuốc lá, cafe và các chất kích thích khác.
– Tập luyện thể dục thể thao đều đặn hàng ngày và nên có thói quen ngủ sớm, đủ giấc mỗi ngày.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!