Đau bụng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhiều người thường nhầm lẫn giữa triệu chứng đau bụng do đau dạ dày với các loại đau bụng khác dẫn đến việc sai lầm khi điều trị. Do đó, cần phân biệt đau dạ dày với các loại đau bụng khác để có cách xử lý đúng cách khi chẳng may mắc phải.
Đau bụng có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc kèm theo một số bất thường khác. Và căn cứ vào vị trí đau cũng như các dấu hiệu đi kèm mà có thể nhận biết được triệu chứng bệnh đau dạ dày chính xác.
Phân biệt đau dạ dày với các loại đau bụng khác
#1. Đau dạ dày
- Vị trí: Đau bụng ở vùng thượng vị (trên rốn).
- Tính chất cơn đau: Đau dạ dày phần lớn có chu kỳ: mùa đông đau nhiều hơn mùa hè. Thường đau âm ỉ, nhưng cũng có thể đau dữ dội tùy theo từng bệnh dạ dày. Cơn đau có thể xuất hiện lúc đói hoặc kể cả lúc no, đau cả ngày lẫn đêm và thường đau nặng hơn sau khi sử dụng một số thực phẩm kích thích dạ dày. Hoặc việc căng thẳng tinh thần cũng khiến mức độ bệnh tăng nặng hơn.
- Các biểu hiện khác: Kèm theo chứng đau bụng thì bệnh nhân đau dạ dày còn có biểu hiện ợ chua, ợ hơi, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn, bụng chướng đầy hơi, trường hợp nặng có thể gây xuất huyết dạ dày,…
NÊN BIẾT:
#2. Các loại đau bụng thường gặp khác
1. Đau bụng do viêm ruột thừa:
Thường đau âm ỉ vùng hố chậu phải; có triệu chứng buồn nôn, nôn bí đại và trung tiện, có khi ỉa lỏng; ấn vào điểm ruột thừa Mac Burney rất đau, có khi có phản ứng thành bụng vùng hố chậu phải; bạch cầu trong máu tăng và sốt nhẹ, môi khô, lưỡi bẩn,…
2. Đau bụng kinh:
Gặp ở phụ nữ, đau bụng vùng hạ vị hoặc hố chậu, cơn đau thường tương ứng với thời kỳ kinh nguyệt (trước hoặc trong ngày hành kinh).
3. Đau bụng do có thai ngoài tử cung:
Phụ nữ mang thai ngoài tử cung thường đau bụng nhiều dưới rốn, tùy theo khối thai nằm bên phải hay bên trái mà triệu chứng đau hơi lệch bên phải hay bên trái. Nếu đau bụng và chảy nhiều máu nhiều sẽ làm cho người bệnh choáng, tái nhợt, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt.
4. Đau bụng do gan mật
Thường do viêm gan, viêm túi mật hoặc do sỏi mật với cơn đau vùng dưới sườn phải.
5. Đau bụng do tiêu chảy:
Đau khắp bụng, đau từng cơn, đại tiện nhiều lần, phân lúc đầu lỏng, sau đó toàn nước, có mùi hôi, có thể kèm theo nôn,… Nếu nặng và không được bù nước, chất điện giải kịp thời có thể gây nguy hại đến tính mạng.
6. Đau bụng do áp xe gan:
Nhận thấy đau ở vùng gan lan sang ngực, người bệnh không dám cử động mạnh và thở mạnh. Khám thấy vùng gan to và đau. Ngoài ra có thể có dấu hiệu nhiễm khuẩn như: sốt, mô khô, lưỡi bẩn, bạch cầu tăng,…
7. Đau bụng do viêm đại tràng mãn tính:
Đau quặn từng cơn dọc đại tràng, thường đau ở dưới hố chậu trái, kèm theo đó là chứng rối loạn đại tiện: Phân táo hoặc lỏng, có máu hoặc nhầy mũi,…
8. Đau bụng do hội chứng ruột kích thích
Thường đau bụng bên trên hoặc dưới rốn, bên trái hoặc phải rốn nhưng thường đau, khó chịu ở phần trên rốn, lệch về bên trái; cơn đau tăng lên khi lo lắng, căng thẳng,… Bất thường về đại tiện như: Đi ngoài phân không thành khuôn (thường có dấu hiệu đầu rắn đuôi nát), cảm giác đi ngoài chưa hết phân. Ngoài ra, còn thấy trướng bụng nhiều, sờ thấy những u cục nổi quanh vùng bụng,…
9. Đau bụng do giun chui ống mật:
Hay gặp ở những người có tiền sử nhiều giun. Người bệnh thấy điểm sườn lưng và mũi ức rất đau; cơn đau đột ngột, dữ dội và lăn lộn, ở vùng thượng vị và hạ sườn phải khiến người bệnh phải nằm chổng mông hoặc dựng hai chân lên tường mới bớt đau.
Trên đây là thông tin về triệu chứng đau dạ dày và một số loại đau bụng thường gặp do bệnh khác bạn nên biết. Khi nhận thấy chứng đau bụng xuất hiện với mức độ và tần xuất thường xuyên, bệnh nhân nên thăm khám để có cách xử lý hiệu quả nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!